Asaph Hall sinh ra ở bang Connecticut, đông bắc Hoa Kỳ. Mồ côi cha từ năm 13 tuổi, Hall đã phải bỏ học để giúp đỡ gia đình. Sau đó, ông tự học rất nhiều, thu được học vấn ở bất kỳ chỗ nào, nơi này một chút, nơi kia một chút. Sau 1 thời gian đi làm, Hall đã tiếp tục quá trình học tập tại trường cao đẳng McGrawville, New York. Năm 1856, ông bắt đầu làm việc tại đài thiên văn Harvard và nhanh chóng trở thành một chuyên gia trong việc tính toán quỹ đạo thiên thể. Năm 1862, ông đến làm phụ tá tại đài thiên văn Hải quân. Một năm sau, ông chính thức được bổ nhiệm chức vụ giáo sư thiên văn.
Ảnh: Asaph Hall (15/10/1829 – 22/11/1907)
Năm 1875, Hall được giao quyền sử dụng chiếc kính thiên văn khúc xạ 66 cm của đài thiên văn Hải quân (kính thiên văn khúc xạ lớn nhất Thế giới tại thời điểm đó). Năm 1876, ông đã phát hiện ra một đốm trắng trên bề mặt Sao Thổ và đã sử dụng nó để tính ra được chu kỳ tự quay của hành tinh này. Tháng 8 năm 1877, ông đã phát hiện ra hai vệ tinh Phobos và Deimos của Sao Hỏa:
“Holơ bắt đầu công việc tìm kiếm vào đầu tháng tám khi Sao Hỏa cách Trái đất một khoảng thuận lợi và ông làm việc rất có phương pháp. Vào khoảng 11 tháng tám, Sao Hỏa tiến gần tới mức ánh sáng của nó bắt đầu gây trở ngại cho sự quan sát của Holơ. Sao Hỏa hiển nhiên không có vệ tinh. Chán quá, là một người khám phá ra một vệ tinh thì dễ chịu thật; nhưng đành phải chịu thôi, Holơ quyết định như vậy. Ông về nhà kể lại với vợ.
Rồi câu chuyện tiếp diễn như sau. Bà Holơ bảo : “Mình hãy cố gắng chỉ thêm một đêm nữa thôi”
Holơ tán thành thử thêm một đêm nữa để chiều vợ. Ông trở lại quan sát, nhìn qua kính viễn vọng, và có một vật gì kìa !
Không may, mây kéo đến. Ông phải đợi năm ngày để có dịp quan sát trở lại. Ngày 16 tháng 8, ông nhìn qua kính viễn vọng và thấy nó ở đấy thật; rồi ngày 17, ông thấy một vật thể khác. Sao Hỏa không những có một mặt trăng, mà hai cơ. Holơ đặt tên chúng là Phôbôt và Đêmôt, theo tên hai người con của thần chiến tranh Mac, theo thần thoại Hy Lạp cổ. Theo tiếng Hy Lạp, Phôbôt có nghĩa là “sợ hãi”, còn Đêmôt là “khủng khiếp”, hai dứa con xứng đáng của thần chiến tranh” [3]
Hall cũng đã tiến hành nhiều nghiên cứu trong việc khảo sát quỹ đạo của các vệ tinh khác trong hệ Mặt Trời, của các hệ sao đôi, đo đạc khối lượng Sao Hỏa.
Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một crater trên vệ tinh Phobos. Tên vợ ông (bà Chloe Angeline Stickney Hall) cũng được đặt cho crater có kích thước lớn nhất trên bề mặt Phobos : crater Stickney
Ảnh: Chloe Angeline Stickney Hall (01/11/1830 – 03/07/1892)
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. October 15 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/10/10_15.htm
[2]Wikipedia, 10/2007. Asaph Hall, https://en.wikipedia.org/wiki/Asaph_Hall
[3]Issac Asimov, Hệ Mặt Trời, Người dịch Đắc Lê. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1980
Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com
Bình luận