Tycho Brahe sinh ra tại vùng Scania, trước thuộc Đan Mạch, nay thuộc Thuỵ Điển trong 1 gia đình quý tộc. Tên khai sinh của ông là Tyge Ottesen Brahe (1). Năm 1559, Tycho đến học ngành luật tại đại học Copenhagen. Ông cũng đồng thời học thêm nhiều môn khác và từ đó yêu thích thiên văn. Tycho bị cuốn hút mạnh bởi nhật thực ngày 21/08/1560, một dịp nhật thực đã được dự đoán chính xác, và bắt đầu tự học thiên văn với sự chỉ dạy của một số giáo sư. Năm 1562, ông chuyển đến đại học Leipzig học một số chuyên ngành về ngôn ngữ và văn hoá.

Tycho tiếp tục tự học thiên văn và bắt đầu ghi chép lại các quan sát của mình. Năm 1563, Tycho quan sát sự giao hội của Sao Thổ và Sao Mộc. Ông nhận thấy sự sai khác đáng kể của kết quả thực tế quan sát đối với những kết quả tính toán trong những cuốn lịch thiên văn đương thời (2). Ông giành nhiều thời gian hơn cho thiên văn học và đã nhận thấy vai trò quan trọng của sự chính xác của các dụng cụ khi tiến hành quan sát. Trong khoảng thời gian từ năm 1565 đến 1567, ông tiếp tục du học tại 1 số trường đại học ở Wittenberg và Rostok (nay thuộc Đức). Sau khi quay về gia đình 1 thời gian ngắn, Tycho tiếp tục thực hiện các chuyến đi đến 1 số thành phố của châu Âu (các thành phố nay thuộc Thuỵ Sỹ và Đức). Ông tập trung vào việc cải tiến và thiết kế các dụng cụ quan sát thiên văn. Tại Augsburg, Tycho đã thuyết phục được người đứng đầu thành phố tài trợ việc chế tạo một số dụng cụ thiên văn có kích thước lớn với độ chính xác rất cao.

14/12/1946, Ngày sinh nhà thiên văn học người Đan Mạch Tycho Brahe - 200px Tycho Brahe / Thiên văn học Đà Nẵng
Tycho Brahe (14/12/1546 – 24/10/1601)

Năm 1570, Tycho quay trở lại Scania. Được sự giúp đỡ của một người chú, Tycho xây dựng một đài quan sát và một phòng thí nghiệm giả kim thuật tại tu viện Harrevard. Ngày 11/11/1572, Tycho nhận thấy 1 “ngôi sao mới” xuất hiện trong chòm Cassiopeia (3). Tycho tập trung nghiên cứu tỷ mỉ “ngôi sao mới” này và đã viết 1 cuốn sách về nó De Nova Stella (Về Ngôi Sao Mới). Từ đó trở đi, các nhà thiên văn gọi “những ngôi sao mới” là “nova”.

Dưới sự bảo trợ của vua Đan Mạch Frederick II, năm 1576, Tycho bắt đầu xây dựng đài thiên văn Uraniborg (Lâu đài của Bầu Trời) tại đảo Hven (nay thuộc Thuỵ Điển). Uraniborg được đánh giá là đài thiên văn lớn nhất vào thời điểm đó. Đến năm 1584, ông lại xây dựng tiếp cạnh Uraniborg đài thiên văn thứ 2 tên là Stjerneborg (Lâu đài của Các Ngôi Sao). Tại hai đài thiên văn này, với các dụng cụ quan sát tốt nhất, Tycho đã “tiến hành những quan sát tốt nhất về các thiên thể mà trước kia chưa hề được thực hiện”.

14/12/1946, Ngày sinh nhà thiên văn học người Đan Mạch Tycho Brahe - 730px Uraniborgskiss 90 / Thiên văn học Đà Nẵng
Bản đồ đài thiên văn Uraniborg

Năm 1577, một sao chổi xuất hiện trên trời. Bằng phương pháp thị sai, Tycho đã kết luận sao chổi này nằm xa Trái Đất hơn Mặt Trăng. Đây là một kết luận quan trọng chỉ ra 1 số sai lầm trong mô hình vũ trụ của Aristotle : sao chổi không phải là thành phần của bầu khí quyển Trái Đất, đồng thời sự bất biến của các thiên cầu cũng bị nghi vấn (vì nếu chúng bất biến thì sao chổi không thể xuyên qua chúng được).

Tycho cũng đã nỗ lực để đo thị sai của các ngôi sao nhưng ông không thu được kết quả. Trái Đất có vẻ như là đứng yên và thiên cầu gắn những vì sao cố định xoay quanh trục Trái Đất. Ngày nay, chúng ta đều biết rằng do khoảng cách từ Trái Đất đến các ngôi sao là rất lớn nên thị sai của chúng đo được bằng cách so sánh kết quả quan sát tại những thời điểm khác nhau trong năm là rất nhỏ, những dụng cụ của Tycho không thể đo được.

Tin tưởng vào những giá trị đo của mình, Tycho đã phủ nhận mô hình Nhật Tâm của Copernicus. Ông đã xây dựng một mô hình vũ trụ (Tychonic system) với các đặc điểm cơ bản sau:
+ Trái Đất cố định ở trung tâm,
+ Mặt Trăng, Mặt Trời chuyển động quanh Trái Đất
+ Sao Thuỷ, Sao Kim, Sao Hoả, Sao Mộc, Sao Thổ chuyển động quanh Mặt Trời
+ Thiên cầu chứa những vì sao chuyển động xung quanh Trái Đất.

Ngày nay, ta đều biết rằng mô hình vũ trụ trên của Tycho là không đúng, tuy nhiên, nó cũng đã được áp dụng phổ biến và được nhiều nhà thiên văn đương thời công nhận. Đặc biệt, sau sự kiện Galileo phải ra tòa án dị giáo và mô hình Nhật tâm của Copernicus bị nhà thờ Thiên chúa giáo phủ nhận, hệ Tycho nhận được sự ủng hộ vì nó chính xác hơn hệ địa tâm của Ptolemy, đồng thời giữ nguyên luận điểm Trái Đất cố định ở trung tâm vũ trụ.

14/12/1946, Ngày sinh nhà thiên văn học người Đan Mạch Tycho Brahe - 576px Tychonian system.svg / Thiên văn học Đà Nẵng
Mô hình vũ trụ của Tycho Brahe

Năm 1588, vua Frederick-II qua đời, vua Christian-IV kế vị. Càng về già, Tycho càng trở nên khó gần và kiêu ngạo. Năm 1597, Tycho bị vua Christian cắt các nguồn trợ cấp. Ông mang theo các thiết bị của mình rời khỏi Đan Mạch.

Năm 1599, Tycho nhận được sự bảo trợ của hoàng đế La Mã Rudolph-II. Ông đến làm việc tại Prague. Tại đây, ông đã nhận Johannes Kepler làm trợ tá. Tuy nhiên, Tycho cũng chỉ sống và làm việc thêm được 2 năm nữa. Trong thời gian này, dựa trên những kết quả quan sát tích luỹ trong hơn 38 năm của mình, Tycho và Kepler bắt đầu việc biên soạn các lịch thiên văn với độ chính xác rất cao và đặt tên là “Các bảng Rudolph” (Rudolphine Tables) (4).

Tycho được đánh giá là nhà thiên văn quan trọng nhất trong thế hệ các nhà thiên văn kế tiếp Copernicus và trước Galileo, Kepler. Ông là người có những quan sát thiên văn chính xác nhất trước khi kính viễn vọng ra đời. Những kết quả quan sát tỉ mỉ về vị trí các hành tinh của ông đã giúp cho Kepler tìm ra 3 định luật nổi tiếng về sự chuyển động của các hành tinh. Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một crater trên Sao Hoả, một tiểu hành tinh (asteroid 1677 Tycho Brahe).

Lược dịch từ bài viết
MacTutor History of Mathematics, Tycho Brahe JOC/EFR, 11/2002, https://turnbull.dcs.st-and.ac.uk/~history/Biographies/Brahe.html
Tham khảo và tra cứu thêm 1 số tài liệu khác.

Ghi chú:
(1) Tycho là tên viết theo tiếng Latin của ông.
(2) Tycho nhận thấy sự sai khác cỡ vài ngày đối với các lịch thiên văn dựa trên mô hình của Copernicus, gần 1 tháng dối với lịch thiên văn dựa trên mô hình của Ptolemy. Tycho, khi đó mới chỉ 17 tuổi, đã nghĩ rằng ông sẽ sửa chữa được những sai sót trên.
(3) “Ngôi sao mới” Tycho quan sát năm 1572 là một vụ nổ supernova cách Trái Đất 7500 năm ánh sáng. Tàn tích của vụ nổ (SN-1572) đã được xác định và tiếp tục quan sát trong thiên văn học hiện đại.
(4) Kepler hoàn thành việc biên soạn “Các bảng Rudolph” vào năm 1627.

Trần Tuấn Tú
Theo TTVNOL

Content Protection by DMCA.com