Ngày sinh nhà khoa học không gian Liên Xô Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky (17/09/1857 – 19/09/1935). Tsiolkovsky cùng với Hermann Julius Oberth và Robert Hutchings Goddard được thế giới vinh danh là “cha đẻ của ngành hàng không vũ trụ”.
Tsiolkovsky sinh ra ở làng Ijevskoe, tỉnh Ryasan, thuộc phía tây liên bang Nga. Cha ông, Edward Ciolkowski, là một người Ba Lan nhập cư; mẹ ông, Maria Yumasheva, là một người Nga. Năm 10 tuổi, Tsiolkovsky bị sốt phát ban và suy giảm nghiêm trọng thính lực. Vì lý do đó, ông đã không được chấp nhận đến trường phổ thông và phải tự học ở nhà. Ông đã đọc mọi cuốn sách trong thư viện gia đình và luôn nỗ lực vươn lên tự khẳng định mình, vượt qua sự thiệt thòi mà bản thân phải chịu đựng.
Ảnh: Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky (17/09/1857 – 19/09/1935)
Trong thời gian từ năm 1873 đến 1876, Tsiolkovsky sống ở Mat-xcơ-va. Ông thường xuyên đến đọc sách tại thư viện chính của thành phố. Tại đây, ông đã được triết gia nổi tiếng Nikolai Fedorovitch Fedorov hướng dẫn và chỉ dạy. Fedorov cũng đã tìm cho Tsiolkovsky một việc làm ở thư viện, tạo điều kiện cho ông được nghiên cứu, tự học những bài giảng của trường đại học. Ở vào tuổi 17, trong tâm trí Tsiolkovsky đã bắt đầu nảy sinh những ý tưởng đầu tiên về các chuyến bay chinh phục không gian, về việc đưa con người ra sống và làm việc ngoài vũ trụ. Năm 1876, Tsiolkovsky trở về quê nhà và thi lấy chứng chỉ giáo viên. Ông dạy toán tại một trường trung học ở Borovsk, tỉnh Kaluga. Tại đây, ông đã bắt đầu những nghiên cứu khoa học đầu tiên thuộc về nhiều lĩnh vực như: chế tạo khinh khí cầu, sống và làm việc ngoài không gian, hàng không vũ trụ và triết học. Năm 1892, ông chuyển đến làm việc tại thành phố Kaluga. Tại đây, ông đã viết và xuất bản các học thuyết về hàng không vũ trụ. Năm 1919, ông được bầu làm thành viên viện Hàn lâm Khoa học Xô Viết. Từ năm 1920, chính phủ Xô Viết đã trợ cấp cho các hoạt động khoa học của Tsiolkovsky.
Tsiolkovsky đã có những ý tưởng vượt tầm thời đại. Trong tác phẩm “The Cosmic Philosoply” (“Triết học Vũ trụ”, xuất bản năm 1932) ông đã trình bày về một “niềm hạnh phúc toàn vũ trụ” (universal happiness). Niềm hạnh phúc đó không chỉ của riêng con người trên Trái Đất mà của toàn thể cư dân vũ trụ. Để đạt được “niềm hạnh phúc” đó, một trong những việc chính con người cần thực hiện là “tìm ra các quy luật chi phối vận động của vũ trụ”. Do đó, cần phải bay ra ngoài không gian, học tập và rèn luyện cách sống ngoài không gian để có thể nghiên cứu sâu hơn về vũ trụ. Để làm được điều này, chúng ta cần phải thiết kế những tàu vũ trụ có người điều khiển. Những chuyến bay đưa người lên không gian chính là bước đi đầu tiên của nhân loại trong một thời kỳ dài lâu, góp phần xây dựng lên một “nền văn minh vũ trụ” (cosmic civilization). Năm 1926, ông đã đề xuất “Kế hoạch chinh phục không gian” bao gồm 16 bước, từ việc chế tạo các máy bay phản lực đến quá trình di dân đến những hệ mặt trời khác khi mà Mặt Trời lụi tàn.
Tsiolkovsky đã dùng toán học để chứng minh sự khả thi của các chuyến bay vào không gian. Ông đã thiết kế mô hình của các tên lửa, động cơ tên lửa, tên lửa nhiều tầng, trạm không gian, … Ông đã tính toán được những ảnh hưởng đối với con người trong quá trình làm việc ngoài không gian, đồng thời đề ra những giải pháp và đưa ra quy trình làm việc của những nhà du hành.
Với hơn 500 công trình và một số tác phẩm kinh điển, Tsiolkovsky đã được cả thế giới biết đến và được công nhận là một trong những người khai sinh ra ngành hàng không vũ trụ. Mặc dù ông không tự chế tạo ra các tên lửa, nhưng các công trình của ông đã là nền tảng, là động lực rất lớn thúc đẩy sự nghiên cứu, sáng tạo của một thế hệ các nhà khoa học không gian Xô Viết kế cận mà tiêu biểu là tổng công trình sư Sergey Korolev.
Tên ông được đặt cho phương trình cơ bản nhất sử dụng để tính toán sự tăng vận tốc của tên lửa, một crater trên Mặt Trăng, một tiểu hành tinh (asteroid 1590 Tsiolkovskaja). Phòng trưng bày của bảo tàng Không gian NASA được bắt đầu bằng chân dung của Tsiolkovsky.
Ảnh: Minh họa các nhà du hành làm việc trong trạng thái không trọng lực (vẽ năm 1932)
Ảnh: Quy trình rời tàu vũ trụ làm việc ngoài không gian (vẽ năm 1932)
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. September 17 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/9/9_17.htm
[2]Konstantin E. Tsiolkovsky State Museum of the History of Cosmonautics, The life of Konstantin Eduardovitch Tsiolkovsky, https://www.informatics.org/museum/tsiol.html
Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com
Bình luận