Delambre sinh ra ở thành phố Amiens, bắc nước Pháp. Sau 1 trận ốm từ ngày còn nhỏ, ông đã bị suy giảm thị giác. Do nghĩ rằng mình sẽ bị mù và sẽ không còn đọc được nữa, ông đã “đọc ngốn ngấu” rất nhiều sách và tự rèn luyện để có thể nhớ lâu. Delambre có khả năng nhớ lại chính xác nguyên văn nội dung của các cuốn sách mà ông đã đọc trước đó nhiều tuần lễ. Ông sử dụng rất tốt 3 ngoại ngữ là tiếng Italy, tiếng Anh và tiếng Đức. Ông là tác giả của cuốn sách Règles et méthodes faciles pour apprendre la langue anglaise (Những quy tắc và phương pháp đơn giản học tiếng Anh).
Ảnh: Jean Baptiste Joseph Delambre (19/09/1749 – 19/08/1822)
Niềm đam mê thiên văn của Delambre đã được nhà thiên văn nổi tiếng đương thời là Joseph-Jérôme Lefrançais de Lalande phát hiện và bồi dưỡng. Năm 1789, ông được viện Hàn lâm Khoa học trao giải thưởng “Grand Prix” vì những tính toán chính xác quỹ đạo của Sao Thiên Vương. Năm 1792, ông xuất bản tác phẩm “Tables du Soleil, de Jupiter, de Saturne, d”Uranus et des satellites de Jupiter” (Bảng danh mục vị trí Mặt Trời, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và các vệ tinh của Sao Mộc). Cũng trong năm này, ông được viện Hàn lâm Khoa học trao giải thưởng “Grand Prix” lần thứ 2 và được bầu làm thành viên của viện.
Trong những năm 1790, viện Hàn lâm Khoa học Pháp đã đảm nhận nhiệm vụ định nghĩa ra các đơn vị đo mới, có thể được chấp nhận trên toàn thế giới. Viện Hàn lâm đã quyết định chọn đơn vị đo độ dài mới là “mét”, bằng 1 phần 10 triệu độ dài đường kinh tuyến từ Bắc cực xuống Xích đạo. Delambre đã dẫn đầu đoàn khoa học làm nhiệm vụ đo độ dài đoạn kinh tuyến từ Dunkirk đến Rodez (hai địa danh thuộc Pháp). Pierre Méchain dẫn đầu 1 đoàn khác làm nhiệm vụ đo độ dài đoạn kinh tuyến từ Barcelona (Tây Ban Nha) đến Rodez. Delambre đã hoàn thành nhiệm vụ đo đạc của đoàn mình vào năm 1798. Tháng 2 năm 1799, các kết quả này đã được công bố. Méchain cũng đã công bố những kết quả của đoàn mình vào tháng 6 cùng năm. Những kết quả của 2 đoàn khoa học đã cho phép chế tạo thước mét chuẩn đầu tiên (bằng platin).
Năm 1801, Dalambre được Napoléon bổ nhiệm là thư ký thường trực tại viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Năm 1804, Delambre đảm nhiệm chức vụ giám đốc đài thiên văn Paris. Năm 1807, Lalande qua đời, Delambre kế thừa chức vụ giáo sư thiên văn của thầy tại trường cao đẳng Paris.
Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. September 19 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/9/9_19.htm
[2]MacTutor History of Mathematics archive, JOC/EFR © April 2003 Jean Baptiste Joseph Delambre, https://www-history.mcs.st-andrews.ac.uk/Biographies/Delambre.html
Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com
Bình luận