Ngày 23/09/1846, dựa trên những tính toán của Le Verrier, Johann Galle đã xác định được vị trí của Sao Hải Vương (Neptune)

Năm 1821, nhà thiên văn học người Pháp Alexis Bouvard đã biên soạn bảng danh mục các vị trí của Sao Thiên Vương. Tuy nhiên, các quan sát sau này đã phát hiện ra những sai khác trong quỹ đạo biểu kiến của Sao Thiên Vương so với quỹ đạo theo tính toán. Bouvard đã đưa ra giả thiết là có một hành tinh nằm ngoài quỹ đạo của Sao Thiên Vương, lực hấp dẫn của hành tinh này gây lên những sai khác trên.

23/09/1846, xác định được vị trí của Sao Hải Vương (Neptune) - neptune 430 / Thiên văn học Đà Nẵng
Ảnh: Sao Hải Vương

Độc lập với nhau, John Couch Adams và Le Verrier đã tính toán quỹ đạo của hành tinh thứ 8 này. Adams hoàn thành những tính toán của mình vào năm 1843 và gửi cho George Airy của đài thiên văn Hoàng gia, Airy yêu cầu Adams giải thích một số vấn đề, Adams đã viết nháp những câu trả lời, tuy nhiên lại không gửi đi. Hoàn thành công trình muộn hơn (năm 1846), nhưng Le Verrier đã rất chủ động thúc đẩy quá trình quan sát để tìm ra hành tinh thứ 8. Ngày 23/09/1846, nhà thiên văn người Đức Johann Gottfried Galle đã phát hiện ra Sao Hải Vương, cách 1 độ so với tính toán của Le Verrier, 10 độ so với tính toán của Adams. Hành tinh này được đặt tên là Neptune, dựa theo tên thần biển cả trong thần thoại La Mã (tương ứng với thần Poseidon trong thần thoại Hy Lạp).

Sao Hải Vương có khối lượng gấp 17.147 lần Trái Đất, có bán kính từ tâm ra xích đạo gấp 3.883 lần Trái Đất, bán kính từ tâm đến 2 cực gấp 3.829 lần Trái Đất. Sao Hải Vương chuyển động một vòng trên quỹ đạo hết 165 năm Trái Đất, điểm viễn nhật cách Mặt Trời 30.44 AU, điểm cận nhật cách Mặt Trời 29.76 AU. Một ngày trên Sao Hải Vương bằng 0.6713 ngày Trái Đất (16 giờ 6 phút)

“Hãy cứ hình dung đến việc đi tìm kiếm một hành tinh khổng lồ mới mà chỉ do quan sát những khác thường nhỏ bé ở chuyển động của một hành tinh khác, cả hai hành tinh đều ở cách xa chúng ta hơn hai tỷ kilômét. Một nhà toán học ngồi ở bàn viết của mình, tính toán, và bảo : “Hãy nhìn vào điểm như thế này, bạn sẽ tìm thấy một hành tinh đấy”. Một nhà thiên văn nhìn vào điểm đó, và tìm thấy thật.

Đây là một trong những chiến thắng có ấn tượng lớn lao nhất của trí tuệ con người”

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. September 23 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/9/9_23.htm
[2]Wikipedia, 09/2007. Neptune, https://en.wikipedia.org/wiki/Neptune
[3]Issac Asimov, Hệ Mặt Trời, Người dịch Đắc Lê. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1980

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com

Content Protection by DMCA.com