Julius Öpik sinh ra ở Kunda, bắc Estonia. Ông theo học thiên văn tại đại học Moscow, tập trung vào nghiên cứu các thiên thể nhỏ như tiểu hành tinh, sao chổi, thiên thạch, … Năm 1921, ông quay trở lại Estonia, bảo vệ luận án tiến sĩ tại đại học Tartu. Từ sau Thế chiến thứ hai, ông chuyển đến làm việc tại đài thiên văn Armagh, bắc Ailen.

Öpik đã đặt nền móng cho việc xây dựng các lý thuyết vật lý về thiên thạch và phát triển các phương pháp thống kê để nghiên cứu thiên thể nhỏ. Năm 1932, ông đã đề ra giả thiết về sự tồn tại một vành đai vật chất có quỹ đạo nằm ngoài Sao Diêm Vương, từ đó các sao chổi được sinh ra (1). Ông đã đưa ra những dự đoán về đặc điểm bề mặt của Sao Hỏa và Sao Kim (2). Öpik cũng có nhiều công trình nghiên cứu về cấu trúc và sự tiến hóa của các ngôi sao, dự đoán các “tinh vân xoắn ốc” là những hệ thống sao thật sự (3)

Tên ông được đặt cho một tiểu hành tinh (asteroid 2099 Opik)

23/10/1893, Ngày sinh nhà thiên văn học người Estonia Ernst Julius Öpik - opik / Thiên văn học Đà Nẵng
Ảnh: Ernst Julius Öpik (23/10/1893 – 10/091985)

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. October 20 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/10/10_20.htm
[2]JST, 2006-02-25. The Bruce Medalists, Julius Öpik, https://www.phys-astro.sonoma.edu/BruceMedalists/Opik/index.html

Ghi chú
(1) Năm 1950, nhà thiên văn Hà Lan Jan Hendrik Oort đã xây dựng mô hình và giải thích sự hình thành các sao chổi từ một đám vật chất bao quanh hệ Mặt Trời, có bán kính khoảng 50000 AU. Vì vậy, ngoài tên gọi phổ biến là “đám mây Oort”, một số tài liệu còn gọi cái nôi của các sao chổi với cái tên đầy đủ hơn: “đám mây Oort- Öpik”
(2) Öpik đã dự đoán chính xác sự phân bố các crater trên bề mặt Sao Hỏa trước khi chúng được quan sát bởi các tàu vũ trụ.
(3) Nhiều công trình của Öpik chỉ được biết đến khi một số nhà thiên văn khác tìm ra và công bố những kết quả tương tự

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com

Content Protection by DMCA.com