Ole Rømer sinh ra tại thành phố Aarhus trong một gia đình thương nhân. Năm 1662, ông ghi danh vào đại học Copenhagen. Rømer tập trung vào các môn toán và thiên văn , sử dụng các phương pháp quan sát của Tycho Brahe. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại đài thiên văn Uraniborg. Cùng với Jean Picard, Rømer đã tiến hành quan sát khoảng 140 lần Sao Mộc che khuất vệ tinh Io. Tại Paris, Giovanni Domenico Cassini cũng tiến hành những công việc tương tự. Dựa trên các kết quả quan sát này, sự chênh lệch nhau về kinh độ giữa hai đài thiên văn đã được xác định.

Trong quá trình quan sát các vệ tinh Sao Mộc ở Paris từ năm 1666 đến năm 1668, Giovanni D. Cassini đã nhận ra các sai khác khi Sao Mộc và Trái Đất ở cùng phía hoặc khác phía so với Mặt Trời. Năm 1672, Rømer đến Paris làm phụ tá cho Cassini. Các kết quả quan sát tiếp theo của Rømer đã khẳng định những sai khác do Cassini phát hiện ra. Năm 1675, Cassini đã công bố nghi vấn về việc ánh sáng có vận tốc hữu hạn. Tuy nhiên, sau đó Cassini không còn quan tâm nhiều đến hiện tượng này nữa.

25/09/1644, Ngày sinh nhà thiên văn học Đan Mạch Ole Christensen Rømer - Ole roemer / Thiên văn học Đà Nẵng
Ảnh: Ole Christensen Rømer (25/09/1644 – 19/09/1710)

Rømer đã tiếp tục nghiên cứu, giải thích hiện tượng trên. Ông được coi là người đầu tiên tính toán ra được vận tốc của ánh sáng:

“Rômơ thấy rằng khi Trái Đất ở cùng một phía Mặt Trời với Sao Mộc, mỗi vệ tinh đi qua phía sau Sao Mộc sớm một chút hơn người ta tưởng. Khi Trái Đất và Sao Mộc ở các phía đối diện với nhau qua Mặt Trời, những vệ tinh đi qua phía sau Sao Mộc chậm hơn một chút. Mỗi vệ tinh thể hiện cùng “lầm lẫn” như vậy trong cả hai trường hợp, và Rômơ không thể đưa toán học ra sửa chữa chúng được.

Năm 1675, Rômơ quả quyết những “lầm lẫn” đó hẳn phải có nguyên nhân là ánh sáng mất một số thời gian để truyền đi. Khi Trái Đất và Sao Mộc ở hai phía đối diện với nhau qua Mặt Trời, ánh sáng phải mất thêm một khoảng thời gian để vượt ngang qua quĩ đạo của Trái Đất (khoảng thời gian đó là 16 phút). Các vệ tinh không bị che khuất muộn hay sớm, mà chính là ánh sáng đã “đưa tin” tới con mắt của nhà thiên văn muộn hoặc sớm đấy.

Sử dụng khoảng cách cắt ngang quỹ đọa của Trái Đất và số thời gian chậm lại trong hiện tượng che khuất của các vệ tinh Sao Mộc, Rômơ có thể công bố được con số của ông về tốc độ ánh sáng. Ông tính được con số rất sát với con số ngày nay chúng ta thừa nhận. Vào khi đó, xác định con số này có thể không có vẻ quan trọng lắm, nhưng tốc độ của ánh sáng trở thành mấu chốt đối với vật lý học hiện đại. Bởi vậy Rômơ đạt được thành tựu hơn là ông tưởng».[3]

Năm 1681, Ole Rømer trở lại Đan Mạch, đảm nhiệm chức vụ giáo sư thiên văn tại đại học Copenhagen. Tháng 5 năm 1683, ông đã đề ra hệ thống đo lường quốc gia đầu tiên của Đan Mạch. Năm 1700, ông đã thuyết phục được nhà vua sử dụng lịch Gregorian tại Đan Mạch và Na Uy (điều mà cách đó khoảng 100 năm, Tycho Brahe đã không làm được). Rømer cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển hệ thống an ninh và dân sinh tại Copenhagen trong những năm đầu thế kỷ XVIII.

Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng.

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. September 25 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/9/9_25.htm
[2]Wikipedia, 09/2007. Ole Rømer, https://en.wikipedia.org/wiki/Ole_R%C3%B8mer
[3]Issac Asimov, Hệ Mặt Trời, Người dịch Đắc Lê. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1980

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com

Content Protection by DMCA.com