Frederick William Herschel sinh ra ở Hanover, Đức với tên khai sinh là Friedrich Wilhelm. Cha ông (Issac Herschel) là một thành viên của đội quân nhạc thành phố. Năm 1755, đội quân nhạc Hanover được điều đến Anh (hồi đó cả Hanover và Anh đều đặt dưới quyền cai trị của vua George II).

25/8/1822: Ngày mất nhà thiên văn lỗi lạc người Anh gốc Đức Frederick William Herschel - 225px William Herschel01 / Thiên văn học Đà Nẵng
Ảnh: Frederick William Herschel (15/11/1738 – 25/08/1822)

Năm 19 tuổi, W.Herschel đến Anh và đổi tên thành Frederick William. Ban đầu, ông nối nghiệp cha trở thành giáo viên âm nhạc và chỉ huy ban nhạc. W.Herschel có thể chơi tốt nhiều loại nhạc cụ và đã biên soạn nhiều bản giao hưởng (tuy nhiên, đa số các sáng tác của ông đã bị thất lạc). Trong thời gian này, một số anh chị em của ông cũng di cư đến Anh, trong số đó có Caroline Lucretia Herschel, nhà nữ thiên văn đầu tiên.

Ngoài công việc chính trong lĩnh vực âm nhạc, W.Herschel còn rất đam mê nghiên cứu Thiên văn học. Ông đã tự chế tạo ra nhiều kính thiên văn và trao đổi với nhà thiên văn hoàng gia Nevil Maskelyne. Ông đã tiến hành quan sát và đo chiều cao của các dãy núi trên Mặt Trăng, nghiên cứu các hệ sao đôi.

Ngày 13/03/1781, W.Herschel đã phát hiện hành tinh thứ 7 của Hệ Mặt Trời. Ban đầu, ông đặt tên cho thiên thể đó là “Georgium Sidus” (ngôi sao của vua George) nhằm vinh danh người bảo trợ của ông là vua George III. Tuy nhiên, hành tinh này đã được nhà thiên văn Đức Johann Elert Bode đề nghị đặt tên là Uranus – Sao Thiên Vương (theo tên Latin của thần Bầu trời Ouranos trong thần thoại Hy Lạp). Khám phá ra Sao Thiên Vương đã đem lại nhiều vinh quang cho Herschel, ông được trao tặng huân chương Copley, được bầu làm thành viên hội Hoàng gia và năm sau, ông được đảm nhận nhiệm vụ “nhà thiên văn của vua” (“The King’s Astronomer).
Cùng với em gái là Caroline, W.Herschel đã tiếp tục các quan sát, nghiên cứu cũng như công việc chế tạo kính thiên văn. Ngày 11/01/1787, W.Herschel khám phá hai vệ tinh đầu tiên của Sao Thiên Vương: Oberon và Titania. Năm 1789, ông hoàn thành chiếc kính phản xạ đường kính 126 cm, chiều dài quang học 12m. Ngày 28/08/1789, trong lần quan sát đầu tiên với chiếc kính khổng lồ, ông đã phát hiện ra vệ tinh Enceladus của Sao Thổ, gần 1 tháng sau (ngày 17/09), ông tiếp tục phát hiện thêm 1 vệ tinh nữa: Mimas.

W.Herschel tiếp tục có thêm nhiều thành công trong các lĩnh vực khác nhau của thiên văn học. Ông đã lập ra một danh mục rất chi tiết các “tinh vân” (khái niệm tinh vân thời đó bao gồm cả những thiên hà, đám sao và tinh vân ngày nay). Ông đã phát hiện ra trường hợp “sao đôi vật lý” đầu tiên. Đó cũng là những bằng chứng đầu tiên về sự đúng đắn của định luật Vạn vật hấp dẫn đối với chuyển động của các thiên thể bên ngoài Hệ Mặt Trời.

Bằng cách nghiên cứu chuyển động riêng của các ngôi sao, W.Herschel đã chứng minh rằng toàn bộ Hệ Mặt Trời chuyển động trong không gian. Ông đã tìm ra hướng của chuyển động đó. W.Herschel cũng nghiên cứu về cấu trúc của Ngân Hà và kết luận rằng nó có dạng “đĩa”.

Đầu thế kỷ 19, khi Piazzi, Olbers, … liên tiếp tìm ra những thiên thể mới chuyển động trong vùng không gian giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, W.Herschel đã đề nghị gọi chúng là asteroid (có nghĩa là “giống như các ngôi sao”), Ông chỉ ra rằng xét đến cùng ngay cả trong kính viễn vọng, chúng cũng xuất hiện giống như ngôi sao và chỉ là các điểm sáng, do kích thước nhỏ bé của chúng. Piazzi đã phản đối ý kiến trên, đề nghị gọi là các “planetoid” (có nghĩa là “giống hành tinh”). Cả hai tên đó đều được sử dụng. Ngày nay, các tài liệu tiếng Anh hay gọi chúng là các “minor planet”. Còn trong các tài liệu tiếng Việt, các thiên thể kiểu này được gọi là các “tiểu hành tinh”.

W. Herschel là người đầu tiên khám phá ra sự tồn tại của tia hồng ngoại khi ông cho ánh sáng đi qua 1 lăng kính và đặt nhiệt kế vào sát ngay bên ngoài vạch đỏ. Ông tiếp tục tiến hành các nghiên cứu và đi đến kết luận rằng còn nhiều dạng sóng không nhìn thấy được tồn tại bên ngoài dải sóng khả kiến.
Con trai ông: John Herschel (07/03/1792 – 11/05/1871) cũng là một nhà thiên văn rất nổi tiếng trong thế kỷ XIX. Một số người cháu của ông (con trai của John Herschel) cũng tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thiên văn.

W. Herschel được đánh giá là một trong những nhà thiên văn lỗi lạc nhất của nhân loại. Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một crater trên Sao Hỏa, một crater trên vệ tinh Mimas của Sao Thổ, một tiểu hành tinh (Asteroid 2000 Herschel), một ngôi sao khổng lồ trong chòm Cepheus, một kính thiên văn đường kính 4.2 mét đặt tại La Palma, và rất nhiều trường học, học viện, địa danh trên Thế giới. Ngày 14/05/2009, đài thiên văn Herschel (vinh danh William Herschel và Caroline Herschel) của ESA và NASA đã được phóng thành công lên không gian.

25/8/1822: Ngày mất nhà thiên văn lỗi lạc người Anh gốc Đức Frederick William Herschel - Herschel Space Observatory / Thiên văn học Đà Nẵng
Ảnh: Mô hình đài thiên văn không gian Herschel

Trần Tuấn Tú (HAAC)
Tổng hợp từ Wikipedia và 1 số tài liệu khác

Content Protection by DMCA.com