James Challis sinh ra tại Braintree, đông nam nước Anh. Ông tốt nghiệp trường cao đẳng Trinity, đại học Cambridge năm 1825 và bắt đầu làm việc tại trường từ năm 1826. Năm 1836, ông được bổ nhiệm chức vụ giáo sư Plumian (1) về thiên văn. Cũng trong năm này, ông kế nhiệm George Biddell Airy làm giám đốc đài thiên văn Cambridge. Challis đã có nhiều công lao trong việc cải thiện các trang thiết bị của đài thiên văn và tiến hành các quan sát chính xác. Ông là một trong những người đầu tiên phát hiện sao chổi 3D/Biela bị vỡ ra làm hai vào năm 1846. Ông đã công bố hơn 60 bài báo khoa học về các kết quả quan sát sao chổi và tiểu hành tinh.
James Challis 12/12/1803 – 03/12/1882 |
Năm 1845, John Couch Adams đã thực hiện việc tính toán vị trí của «hành tinh thứ 8» dựa trên những sai khác trong quỹ đạo biểu kiến của Sao Thiên Vương. Adams đã trình bày những kết quả của mình với Challis nhưng có vẻ công trình của Adams chưa đủ sức thuyết phục. Đến cuối tháng 9 cùng năm, George Airy cũng đã trực tiếp trao đổi và yêu cầu Adams giải thích một số vấn đề. Adams đã viết nháp những câu trả lời, tuy nhiên lại không gửi đi. Trong khi đó, độc lập với Adams, Le Verrier cũng tiến hành tính toán quỹ đạo của “hành tinh thứ 8” và công bố các kết quả trong kỷ yếu của viện Hàn lâm Khoa học Paris tháng 11 năm 1845. Nhận thấy sự giống nhau giữa các số liệu tính toán của Adams và Le Verrier, Airy đã tổ chức một cuộc họp tại đài thiên văn Greenwich và yêu cầu Challis thực hiện việc kiểm tra các kết quả tính toán. Mặc dù được yêu cầu tiến hành ngay nhưng có vẻ Challis không quan tâm và đã không giành thời gian cho việc này. Ông chỉ thực sự tập trung quan sát từ cuối tháng 7/1846. Sau này, khi Sao Hải Vương được Johann Gottfried Galle của đài thiên văn Berlin xác định dựa trên các tính toán của Le Verrier (23/09/1846), Challis mới nhận thấy rằng ông đã hai lần đánh dấu vị trí của thiên thể này trong các ngày 8 và 12 tháng 8, nhưng không nhận ra đó là một hành tinh.
Challis đã đánh mất cơ hội ghi danh vào lịch sử khi ông không tập trung hết sức cho việc tìm kiếm Sao Hải Vương. Thất bại này cũng làm ảnh hưởng khá nhiều đến danh tiếng của ông. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những đóng góp của ông cho thiên văn học. Đồng thời, ông còn có nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý và toán học. Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng.
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. December 03 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/12/12_03.htm
[2]Wikipedia, 11/2007. James Challis, https://en.wikipedia.org/wiki/James_Challis
Ghi chú
(1) Plumian Professor và Lowndean Professor là hai chức danh giáo sư cao nhất về Thiên văn học tại trường Cambridge. Plumian Professor tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong cả 2 lĩnh vực : Thiên văn và Triết học. Lowndean Professor tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong cả hai lĩnh vực: Thiên văn và Địa Lý.
Trần Tuấn Tú
Theo ttvnol.com
Bình luận