Anders Celsius sinh ra tại thành phố Uppsala, đông Thụy Điển. Ông nội, ông ngoại và cha của ông đều là giáo sư toán hoặc thiên văn. Celsius đã bộc lộ những khả năng trong lĩnh vực khoa học từ khi còn nhỏ, năm 29 tuổi, ông đã được bổ nhiệm làm giáo sư thiên văn đại học Uppsala. Từ năm 1732, ông tiến hành một chuyến đi kéo dài 3 năm, thăm quan hầu hết những đài thiên văn nổi tiếng và làm việc với những nhà thiên văn hàng đầu châu Âu thế kỷ XVIII. Năm 1736, ông tham gia vào đoàn thám hiểm do nhà thiên văn Pháp Maupertuis dẫn đầu. Đoàn thám hiểm đã đi đến miền cực bắc của Thụy Điển, tiến hành đo đạc độ dài của cung 1 độ thuộc đường kinh tuyến tại khu vực gần địa cực. Cùng lúc này, một đoàn thám hiểm khác cũng tiến hành những đo đạc tương tự tại một vùng đất gần xích đạo (nay thuộc Ecuador). Kết quả tổng hợp từ hai đoàn thám hiểm đã góp phần khẳng định quan điểm của Newton về hình dạng của Trái Đất (có dạng hình ellipsoid, bẹt ở hai địa cực). Trở nên nổi tiếng sau chuyến thám hiểm, Celsius đã vận động cho việc xây dựng một đài thiên văn ở Uppsala. Năm 1741, đài thiên văn Celsius đã khánh thành và đi vào hoạt động với các thiết bị hiện đại nhất thời bấy giờ. Cùng với trợ lý là Olof Hjorter, Celcius đã khẳng định sự liên quan giữa hiện tượng cực quang và từ trường. Ông đã đưa ra bảng danh mục độ trưng của khoảng 300 ngôi sao với sai số trung bình so với các giá trị đo hiện đại vào khoảng 0.4 cấp sao. Ông cũng đã rất nỗ lực trong việc đưa lịch Gregorian vào Thụy Điển. Tuy nhiên, cho đến khi qua đời, ông vẫn chưa hoàn thành được việc này. Lịch Gregorian chỉ bắt đầu được sử dụng chính thưc ở Thụy Điển từ năm 1753.

 

ngày 27-11, Ngày sinh nhà thiên văn học Thụy Điển Anders Celsius - 213px Anders Celsius / Thiên văn học Đà Nẵng

Anders Celsius (27/11/1701 – 25/04/1744)

 

Celsius còn có những đóng góp rất lớn trong lĩnh vực địa lý và khí tượng. Ông giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập bản đồ tổng quan của Thụy Điển. Năm 1742, ông đã trình bày trước viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển “thang nhiệt độ Celsius” với 0 độ tương ứng với nhiệt độ nước sôi và 100 độ tương ứng với nhiệt độ nước bắt đầu đóng băng. Sau khi ông qua đời, năm 1745, thang nhiệt độ đã được đảo ngược lại và được sử dụng rộng rãi đến ngày nay.

Anders Celsius qua đời khi mới chỉ 42 tuổi vì bệnh lao phổi. Trong lĩnh vực thiên văn, tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng.

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. November 27 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/11/11_27.htm
[2]Uppsala University – Astronomical Observatory. Anders Celsius, https://www.astro.uu.se/history/Celsius_eng.html

Trần Tuấn Tú
ttvnol.com

Content Protection by DMCA.com