Nào, các bạn hãy đánh dấu ngày 17/11 tới đây vào cuốn lịch của mình bởi vì đêm đó sẽ diễn ra trận mưa sao băng Leonid thường niên với cường độ có thể ở cỡ trung bình nhưng cũng có thể rất mạnh.

Trận mưa năm nay sẽ ưu đãi những kẻ ngắm sao suốt từ vùng Trung tới Đông Á. Cường độ sao băng mạnh nhất có thể tới vài trăm vệt trong một giờ. Đỉnh điểm của cơn mưa Leonid năm nay là vào khoảng 21:40 GMT (khoảng 4h40 am rạng sáng ngày 18/11 theo giờ Việt Nam).

Ở Bắc Mỹ, màn trình diễn của các vệt sao băng có vẻ kém hoành tráng hơn, nhưng cũng có mật độ lên cỡ vài chục vệt một giờ.

Mưa sao băng Leonids dự đoán là dữ dội ở Châu Á vào đêm 17/11/2009 - 011108 leonid fireball lovato 02 / Thiên văn học Đà Nẵng
Sao băng Leonids được chụp vào năm 1998 (Ảnh Lorenzo Lovato – Space)

Tâm điểm của một trận mưa sao băng là một điểm trên nền trời mà từ đó các vệt sao dường như xuất phát từ đó . Tâm điểm càng nằm cao thì càng dễ ngắm toàn cảnh các tia sao băng, tuy nhiên các tia sao có thể nằm cách xa tâm điểm nên việc tập trung nhìn vào tâm điểm là không cần thiết.
Tâm điểm của trận mưa sao Leonid nằm ở trong chòm Leo (Sư tử) bởi vậy các vệt sao này có tên “Leonids”.

Một điểm quan trọng của trận Leonid năm 2009 là sẽ không có sự quấy nhiễu của ánh sáng trăng. Ngày mồng 1 âm lịch rơi đúng vào ngày 17 tháng 11 nên chúng ta có thể yên tâm ngắm nhìn ngay cả những vệt sao băng mờ nhất.

Châu Âu và châu Phi có vẻ năm nay không gặp may cho lắm đối với những người yêu sao băng. Đợt sao băng cực đại đầu tiên xẩy ra khi ở những khu vực này đang là ban ngày, còn đợt thứ hai thì xẩy ra vào buổi chập tối, nhưng tâm điểm của trận Leonid khi đó vẫn chưa nhô lên khỏi đường chân trời. Những người châu Âu có thể ngắm trận mưa sao này vào buổi sáng sớm ngày 17/11, nhưng chắc họ sẽ không xem được quá 10 – 15 vệt sao trong một giờ.

“Rác” vũ trụ

Nghe có vẻ không lãng mạn cho lắm, nhưng cứ phải nói trắng ra là trận mưa sao Leonid năm nay (hay cũng như toàn bộ các mưa sao băng khác) chính là rác vũ trụ.

Các vệt sao băng Leonid được biết chính là sự xả rác của một sao chổi cỡ nhỏ (3,6km) mà đã được phát hiện ra từ cuối thế kỷ 19 và được đặt tên là Tempel-Tuttle. Bụi thiên thạch từ sao chổi Tempel-Tuttle vãi ra chuyển động xung quanh Mặt trời theo đúng quỹ đạo của ngôi sao chổi vạch ra.

Khi Trái đất đi vào vùng bụi bỏ lại sau sao chổi từ những vòng quay trước đó, những hạt bụi li ti từ sao chổi (thường thì không lớn hơn một hạt cát) lao vào bầu khí quyển của chúng ta với tốc độ khoảng 71km/h và làm chúng loé sáng lên dù ngắn ngủi nhưng rực rỡ trên bầu trời đêm.

Mưa sao băng Leonid không chỉ tồn tại trong một đêm. Những hạt bụi sao chổi Tempel-Tuttle còn điểm xuyết cho bầu trời vài ba đêm vào giữa tháng 11 hàng năm. Năm nay, trận Leonid theo tính toán sẽ lên cực điểm vào trước lúc bình minh ngày 17/11, nhưng vào buổi sáng sớm các đêm lân cận 17/11 cũng có thể ngắm được một số kha khá các sứ giả của trận mưa sao này.

Sao chổi Tempel-Tuttle lần cuối cùng đi gần qua Mặt trời và Trái đất vào năm 1998 và vài ba năm sao đó, trận Leonid luôn luôn để lại những hình ảnh ngoạn mục, có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn vệt sao trong một giờ. Nhưng một khi sao chổi chủ nhân đã đi ra vành ngoài của hệ Mặt trời thì chúng ta cũng không mong đợi gì hơn từ 8 tới 10 vệt sao trong 1 giờ.

Thế nhưng nếu các nhà khoa học về sao băng mà chính xác thì năm nay lại là một năm bất thường. Các nhà nghiên cứu đã chạy một số các mô hình máy tính mô tả vệt bụi “rác” phía sau sao chổi Tempel-Tuttle và cho biết năm nay Trái đất sẽ “va” vào một số những đám rác lớn gồm các hạt bụi của sao chổi trên.

Dự đoán Leonid bùng nổ ở châu Á.

Đặc biệt là theo các nhà thiên văn học người Pháp là Jeremie Vauballion, ngưòi Nga Mikhail Maslov và ngưòi Mỹ là Bill Cooke và Danielle Moser thì họ đều đi đến kêt luận rằng những đám bụi để lại từ những năm 1466 và 1533 sẽ gây ra một cuộc trình diễn lớn của các vệt sao Leonid vào năm nay ở hầu hết châu Á.

Theo VAuballion thì “Năm 2009 sẽ không có một trận bão sao Leonid, mà chắc chắn là một sự bùng nổ !”. Nhưng vẫn còn có những điểm không chắc chắn lắm.

Năm ngoái, các hạt cát trời do sao chổi Tempel-Tuttle để lại năm 1466 đã tạo ra khoảng 100 sao băng/giờ. Năm nay, Trái đất lại đi qua đám bụi 1466 một lần nữa mà còn gần hơn (khoảng 68000km) vào lúc 21:40 GMT ngày 17/11. Năm nay, trận mưa này thật ưu ái các vùng đất thuộc Trung và Đông Á (trong đó có Việt Nam !! và ở Mỹ thì là vào ban ngày). Hơn nữa, gần như cùng lúc, Trái đất cũng sẽ đi ngang qua đám bụi để lại vào năm 1533. Sự hợp đồng của 2 đám bụi sao chổi này làm cho các nhà thiên văn dự đoán có thể sẽ có mưa sao vào cỡ 130 hoặc thậm chí 300 vệt sao Leonid trong một giờ ở châu Á.

“Nhưng chúng tôi cũng không chắc chắn lắm về đám bụi năm 1533” Vauballion nói.

Thực hành ngắm sao băng

Bạn có thể thực hành ngắm sao để đón chờ sự kiện lớn này

Những mành sao băng Leonid đầu tiên có thể xem được từ ngày 10/11, tuy nhiên mật độ còn rất thấp, cùng lăm là một vài vệt trong một giờ. Khoảng ngày 16/11 vào lúc trước khi trời sáng, hoạt động của mưa sao Leonid tăng lên đáng kể, có lẽ sẽ đạt 4 – 8 vệt /giờ.

Những người ngắm sao Leonid sớm cũng có thể nhận thấy vài ba vệt sao băng chậm có vẻ như xuất phát từ chòm Kim Ngưu. Đó chính là sản phẩm của mưa sao băng Taurid, một trận mưa sao băng nhỏ thường hoạt động từ ngày 5 tới 12 tháng 11 và cực đại của mưa sao này có thể đạt từ 5 tới 10 vệt /giờ.

Thohry
Theo Space.com

Content Protection by DMCA.com