Hầu hết lãnh thổ Việt Nam chỉ thấy được nhật thực một phần. Địa điểm quan sát được tỷ lệ nhật thực lớn nhất là Hà Giang, rồi đến Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ…

Trao đổi với SGTT về hiện tượng nhật thực dài nhất thế kỷ 21 sẽ diễn ra vào ngày 22-7 tới, ông Nguyễn Đức Phường (Hội Thiên văn – vũ trụ Việt Nam) cho biết: “Cường độ ánh sáng mặt trời khá lớn với nhiều bức xạ tử ngoại có hại nên chỉ cần nhìn thẳng vào mặt trời bằng mắt thường trong giây lát cũng có thể làm tổn thương đến võng mạc, thậm chí gây mù loà vĩnh viễn”.

 

Ngày 22-7, đón xem nhật thực dài nhất thế kỷ - ImageView / Thiên văn học Đà Nẵng
Hình ảnh nhật thực toàn phần – Ảnh: hội Thiên văn – vũ trụ Việt Nam

Cũng theo ông Phường, nếu người dân không có kính quan sát nhật thực chuyên dụng, có thể tận dụng kính thợ hàn. Trường hợp không có kính thợ hàn có thể quan sát gián tiếp theo hướng dẫn của các chuyên gia. Tuyệt đối không được quan sát trực tiếp nhật thực bằng mắt thường, càng không được quan sát qua ống nhòm hoặc kính thiên văn.

* Nhật thực lần này có khác biệt gì so với những lần xuất hiện trước đây, thưa ông?

 

Cơ hội nghiên cứu lớp khí quyển

Dưới góc độ khoa học, hiện tượng nhật thực, đặc biệt là nhật thực toàn phần rất có ý nghĩa vì đây là cơ hội để các nhà khoa học nghiên cứu lớp khí quyển (sắc cầu) của mặt trời mà bình thường rất khó quan sát và nghiên cứu.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để kiểm tra những tính chất của lý thuyết tương đối rộng của Einstein bằng cách quan sát sự thay đổi vị trí biểu kiến của ngôi sao ở vị trí gần mặt trời trong mỗi kỳ nhật thực.

Một số nhà thiên văn còn tìm kiếm những thiên thể nhỏ gần mặt trời, bên trong quỹ đạo của sao Thủy. Đài quan sát không gian SOHO đã từng phát hiện ra một số sao chổi trong quá trình tiến sát mặt trời.

– Nhật thực lần này là nhật thực toàn phần, sẽ được quan sát trong một dải hẹp rộng 258 km và kéo dài gần nửa vòng trái đất. Hiện tượng sẽ bắt đầu từ Ấn Độ, sau đó đến Nepal, Bhutan, Myanmar và Trung Quốc, rồi tiếp tục vượt ra ngoài Thái Bình Dương.

Địa điểm quan sát được nhật thực toàn phần cực đại nằm trên Thái Bình Dương với thời gian cực đại là 6 phút 39 giây vào lúc 9g35 giờ Hà Nội. Với thời gian xảy ra cực đại như vậy thì đây sẽ là nhật thực toàn phần dài nhất trong thế kỷ 21.

Trong một năm thường xảy ra từ 2 – 5 lần nhật thực, nhưng nhật thực toàn phần thì rất hiếm, có năm không có nhật thực toàn phần nhưng có năm lại có đến hai lần. Đặc biệt, nhật thực toàn phần chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn (ít khi vượt quá 7 phút 31 giây). Trong 1.000 năm mới chỉ có khoảng hơn 10 lần nhật thực kéo dài hơn 7 phút. Lần nhật thực gần đây nhất kéo dài 7 phút 3 giây xảy ra ngày 30-6-1973.

* Những nước nào có thể nhìn thấy nhật thực đầu tiên và rõ nhất?

Địa điểm đầu tiên trên thế giới quan sát được nhật thực toàn phần ngày 22-7, lúc 7g51 giờ Hà Nội là bờ biển phía tây Ấn Độ và địa điểm cuối cùng được chiêm ngưỡng hiện tượng này là Polynesia.

Dải nhật thực một phần sẽ được quan sát trong một dải rộng hơn bao gồm hầu hết Đông Á và Thái Bình Dương. Hầu hết lãnh thổ Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần.

Địa điểm quan sát được tỷ lệ nhật thực lớn nhất ở Việt Nam là Hà Giang (tỷ lệ che khuất cực đại là 75,8% xảy ra lúc 8g11); càng về phía nam thì tỷ lệ che khuất càng nhỏ: Cần Thơ là 25,5% lúc 8:11:40; TP.HCM là 27,4% lúc 8:13:04. Còn ở Hà Nội, quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại là 67,5% lúc 8:11:50 (thời điểm bắt đầu là lúc 7:06:34 và kết thúc lúc 9:26:10).

* Có một số ý kiến cho rằng nhật thực liên quan đến vấn đề tâm linh, thậm chí ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, ông nghĩ sao?

– Hiện tượng nhật thực không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ, cây trồng và vật nuôi. Một số người do mê tín dị đoan, quan niệm sai lệch về hiện tượng này nên cho rằng mặt trời bị “ăn” mất nên dùng các vật dụng hàng ngày gõ vào nhau để xua đuổi con vật trên trời dám ăn mất mặt trời. Xin khẳng định, đây hoàn toàn là hiện tượng thiên nhiên, xảy ra theo quy luật tự nhiên.

 

“Mẹo” giúp xem nhật thực an toàn

Trong trường hợp có điều kiện thì mua kính quan sát nhật thực chuyên dụng, giá từ 10 – 15 USD (liên hệ với hội Thiên văn – vũ trụ Việt Nam). Còn không có kính chuyên dụng, có thể tận dụng kính thợ hàn để quan sát. Nếu không có kính thợ hàn, có thể quan sát gián tiếp theo hai cách:

– Dùng một tấm bìa, khoét một lỗ tròn nhỏ. Hướng tấm bìa về phía mặt trời, sao cho ánh sáng mặt trời đi xuyên qua lỗ. Đặt một tờ giấy trắng phía dưới, sao cho hình ảnh mặt trời hiện thành một khoanh tròn trên tờ giấy. Khi hiện tượng nhật thực diễn ra, sẽ thấy đĩa mặt trời bị che khuất dần trên tấm giấy trắng.

– Đặt một chiếc gương dưới chậu nước pha mực, sao cho hình ảnh mặt trời nhìn qua gương dịu mà không chói.

Theo THANH TUYỀN – Sài Gòn tiếp thị

Content Protection by DMCA.com