Ngày 07/01/1610, Galileo đã phát hiện ra 3 trong số 4 vệ tinh thuộc nhóm vệ tinh Galileo của Sao Mộc: Io, Europa và Callisto. Sau đó một ngày, ông phát hiện ra vệ tinh còn lại: Ganymede [1, trang 8]
« Khi năm mới bắt đầu, Galilê khám phá ra một điều làm cả thế giới kinh ngạc. Vào ngày 7 tháng một năm 1610, ông hướng kính viễn vọng lên Sao Mộc. Nó lớn thành một quả cầu nhỏ. (Những ngôi sao không lớn được như thế. Ngay cả với kính viễn vọng hiện đại nhất, chúng vẫn chỉ là các điểm sáng mà thôi). Hình ảnh gây ấn tượng tức khắc cho Galilê là ba ngôi sao nhỏ ông nhìn thấy bên cạnh Sao Mộc (đêm sau, ông nhìn thấy bốn ngôi sao). Ông quan sát chúng hết đêm này đến đêm khác, và chẳng bao lâu rõ ràng thấy chúng chuyển động xung quanh Sao Mộc.
Ảnh: Bài viết của Galileo trên báo Sidereus Nuncius (Tín sứ của các ngôi sao) tháng 3 năm 1610 thông báo về việc phát hiện ra các thiên thể chuyển động xung quanh Sao Mộc (Bản dịch tiếng Anh của bài viết trên có thể tham khảo tại tài liệu [2])
Có bốn mặt trăng nhỏ bé chuyển động xung quanh Sao Mộc giống như Mặt Trăng của chúng ta chuyển động xung quanh Trái Đất.
Đây là dẫn chứng cho biết Arixtôt và Ptôlêmê đều sai rõ ràng. Họ đã nói rằng mọi vật trên trời chuyển động xung quanh Trái Đất cơ mà. Không kể đến ai có thể nói gì về Mặt Trăng, Mặt Trời và các hành tinh, chỉ riêng bốn thiên thể nhỏ bé này cũng chuyển động xung quanh Sao Mộc đấy !
Galilê gọi chúng là Sidera Medicea (« Những ngôi sao Mêđixi theo tên của Côximô Mêđixi II, đại công tước của Tôxcan, là người Galilê đợi sẽ giao cho ông một việc làm (sau đó, Galilê nhận được việc làm). Tuy vậy, các thế hệ sau đã quyết định rằng niềm vinh dự đó đặt vào nhầm người. Khi Kêplơ nghe về những vật thể mới ấy, ông gọi chúng là các vệ tinh, cho nên bốn Mặt Trăng của Sao Mộc khi được gộp thành một nhóm thì được gọi là nhóm vệ tinh Galilê.
Từ vệ tinh hiện giờ được dùng để chỉ bất kỳ thiên thể nào – hoặc thậm chí cả vật thể do con người làm ra – chuyển động xung quanh một hành tinh. Các vệ tinh chuyển động theo một hành tinh, nói một cách khác là « hộ tống » nó, trong khi hành tinh chuyển động xung quanh Mặt Trời. Mặt Trăng là vệ tinh của Trái Đất. Các vệ tinh cũng được gọi là « các mặt trăng », nhưng thường gọi là « các vệ tinh » để cho rõ ràng hơn, còn chữ « Mặt Trăng » là để dành cho vệ tinh riêng của Trái Đất.
Các vệ tinh Galilê đều là những thiên thể rất lớn. Hai vệ tinh ở gần Sao Mộc hơn thì hầu như lớn bằng Mặt Trăng của chúng ta (vốn có đường kính 3450 km). Hai vệ tinh ở ngoài thật sự lớn hơn Mặt Trăng của chúng ta, thậm chí còn lớn hơn cả hành tinh Sao Thủy nữa.
Các vệ tinh Galilê đã được đặt tên theo những nhân vật trong thần thoại Hy Lạp vốn có liên hệ chặt chẽ với Jupite (tức Zơt, đều là tên của Sao Mộc theo tiếng La tinh hoặc Hy Lạp). Người làm việc này là nhà thiên văn Đức Ximon Mariut, người khám phá ra các vệ tinh đó chỉ một ngày (!) sau Galilê. Vệ tinh gần Sao Mộc nhất được gọi là Iô, rồi tới Ơrôpa, Ganimet (vệ tinh lớn nhất) và Calixtô. Đôi khi, chúng được gọi tên theo số: Jupite I, Jupite II, Jupite III và Jupite IV. » [3, trang 82, 83]
Tài liệu tham khảo:
[1]. Tammy Plotner, 2007. What is up 2007, 365 days of skywatching, https://www.astrowhatsup.com/download-the-book/
https://www.solarviews.com/cap/jup/manuscr1.htm
và
https://www.solarviews.com/cap/jup/manuscr2.htm [3] Isaac Asimov, 1966. Hệ Mặt Trời, người dịch Đắc Lê, NXB Khoa Học và Kỹ Thuật, 1980
Hero_Zeratul
ttvnol.com
Bình luận