Đối với những ai đang mong chờ mỗi mùa hè để được chiêm ngưỡng bữa tiệc mưa sao băng Anh Tiên (Perseids), sẽ có một số tin không vui vào giữa tháng tám năm nay.
Cực điểm mưa sao băng Anh Tiên năm nay là vào rạng sáng thứ bảy (13/08). Nhưng có vẻ như những người yêu thích bầu trời sẽ không gặp được may mắn khi mà thời điểm đó sát ngày rằm. Trăng tròn và sáng sẽ khiến cho những người quan sát không thể có được số lượng sao băng như mong muốn.
Một sao băng Anh Tiên được chụp bởi Ivo Leupi ngày 9/8/2010 tại Westmeath, Ontario (Canada) lúc 1:30 giờ địa phương.
Các sao băng mang tên Anh Tiên bởi lẽ chúng xuất phát chủ yếu từ phía chòm sao Anh Tiên (Perseus), sẽ mọc lên cao vài giờ trước bình minh trên bầu trời hướng Đông Bắc. Khoảng thời gian này cũng là lúc mà các sao băng xuất hiện nhiều nhất. Thật không may, Mặt Trăng lúc này đang ở phía chòm Bảo Bình (Aquarius), sẽ là một cản trở lớn. Nó sẽ hiện diện suốt cả đêm và ánh sáng của nó có thể nuốt chửng bất cứ vệt sao băng nào.
Đối với các cấp sao biểu kiến có thể quan sát bằng mắt thường bị che mờ bởi ánh sáng Mặt Trăng hoặc ô nhiễm ánh sáng đèn thành phố, số lượng các sao băng có thể thấy được bị giảm đến 60%. Thông thường, với bầu trời đêm vào những ngày trời trong và không có trăng, bạn có thể nhìn thấy các ngôi sao có cấp sao biểu kiến đến +6.5 – đây được xem là giới hạn của mắt thường mà không cần hỗ trợ của bất kỳ dụng cụ quang học nào. Các nhà thiên văn học sử dụng cấp sao biểu kiến để xếp hạng độ sáng các vật thể vũ trụ. Chỉ cần nhớ một quy luật đơn giản: cấp sao biểu kiến cáng lớn, thì ngôi sao đó càng mờ. Với một bầu trời đêm lý tưởng, bạn có thể nhìn thấy 90 – 100 sao băng /giờ.
Nhưng dưới ánh sáng của Trăng tròn, bạn chỉ có thể nhìn thấy những ngôi sao có cấp sao biểu kiến dưới +4.0, nghĩa là bạn chỉ có thể nhìn thấy khoảng 1/10 số sao băng trên. Và nếu bạn có khuyết tật về mắt, thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm ánh sáng, số sao băng nhìn thấy được sẽ còn giảm đi nhiều. Vì vậy, bạn có thể hiểu những khó khăn nếu muốn lập kế hoạch quan sát mưa sao băng Anh Tiên năm nay.
Điều này không có nghĩa là bạn sẽ không nhìn thất bất cứ sao băng nào. Chuyên gia về sao băng Alastair McBeath ghi chú trong lịch thiên văn học 2011: Mưa sao băng Anh Tiên “vẫn hoạt động tốt đủ cho một số sao băng “sống sót” dưới ánh sáng của Mặt Trăng. Các sao băng Anh Tiên thường rất sáng và di chuyển nhanh với mật độ xuất hiện liên tục.”
Và bạn có thể thoát khỏi ảnh hưởng của Mặt Trăng bằng cách tổ chức quan sát sớm hơn. Số lượng sao băng Anh Tiên có thể chấp nhận được khi quan sát trong suốt tuần đầu tiên của tháng tám, trong khoảng thời gian sau khi Trăng lặn và trước khi Mặt Trời mọc. Vào rạng sáng 11/08, hai ngày trước cực điểm, sẽ có khoảng 20 phút của bóng đêm sau khi Trăng lặn và trước khi Mặt Trời mọc. Vào rạng sáng ngày 10/08, khoảng thời gian này là 90 phút và vào rạng sáng 09/08 là khoảng 2 giờ rưỡi.
Ngoài trận mưa sao băng Anh Tiên này ra, có khoảng 6 trận mưa sao băng nhỏ diễn ra vào nửa cuối tháng 7 cho đến giữa tháng 8, với tần suất tương đối ít để tổ chức quan sát. Có lẽ các trận mưa sao băng nhỏ sẽ có được nhiều sự chú ý trong năm nay, bởi điều kiện quan sát của chúng thuận lợi hơn so với mưa sao băng Anh Tiên. Chúng ta sẽ có nhiều thứ để nói hơn về các sao băng vào cuối tháng này. Các bạn hãy thường xuyên theo dõi nhé.
Phan Thanh Hiền – PAC (Theo Space)
Bình luận