Robert Trumpler sinh ra ở Zürich, Thụy Sĩ. Sau 2 năm học chuyên ngành toán, thiên văn và vật lý tại đại học Zurich, ông chuyển đến học tại Gottingen (Đức) và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi mới 24 tuổi (năm 1910). Thế chiến thứ nhất nổ ra, năm 1915, ông di cư đến Hoa Kỳ và làm việc tại đài thiên văn Allegheny. Sau đó, ông chuyển đến đài thiên văn Lick.
Năm 1922, Trumpler cùng với giám đốc đài thiên văn Lick là W. W. Campell đã tiến hành quan sát hiện tượng nhật thực toàn phần tại Wallal, tây Australia. Campell và Trumpler đã thu được giá trị về độ lệch giữa vị trí thực tế và vị trí biểu kiến của một ngôi sao là : 1.75 +/- 0.09 giây. (Giá trị tính được theo thuyết Tương Đối Tổng Quát của Einstein là 1.75 giây. Năm 1919, độ lệch đo được của đoàn quan sát do Eddington dẫn đầu là 1.61 +/- 0.3 giây).
Ảnh: Robert Julius Trumpler (02/10/1886 – 10/09/1956)
Lĩnh vực nghiên cứu của Trumpler tập trung chủ yếu vào các cụm sao hình cầu (globular cluster). Ông đã nhận thấy rằng độ sáng quan sát được của các cụm sao hình cầu nhỏ hơn các giá trị tính toán được. Trumpler đã đưa ra lời giải thích chính xác cho hiện tượng này, đó là ánh sáng của các ngôi sao đó đã bị các đám bụi trong Ngân Hà hấp thụ một phần (độc lập với Trumpler, nhà vật lý thiên văn Liên Xô Boris Vorontsov Velyaminov cũng đã phát hiện ra hiện tượng này).
Năm 1918, Harlow Shapley đã ước lượng khoảng cách từ Mặt Trời đến trung tâm Ngân Hà vào khoảng 50 nghìn năm ánh sáng. Các nghiên cứu về cụm sao hình cầu của Trumpler đã cho phép hiệu chỉnh lại giá trị trên chỉ còn khoảng 30 nghìn năm ánh sáng (khoảng cách từ Mặt Trời đến trung tâm Ngân Hà hiện nay được ước lượng vào khoảng 26 nghìn năm ánh sáng). Trumpler cũng đã đưa ra phương pháp phân loại các cụm sao mở (open cluster) dựa trên đặc điểm phân bố, khoảng biến đổi về độ trưng và số lượng của các ngôi sao thành viên.
Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một crater trên Sao Hỏa.
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. October 02 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/10/10_02.htm
[2]Wikipedia, 08/2007. Robert Julius Trumpler, https://en.wikipedia.org/wiki/Robert_Julius_Trumpler
Hero_Zeratul
Box Thiên văn học – ttvnol.com
Bình luận