Galileo sinh ra tại thành phố Pisa, vùng Tuscany, nay thuộc miền trung nước Italy. Cha ông là một nhạc sĩ nổi tiếng. Khi còn thiếu niên, Galileo đã có những công trình xuất sắc trong lĩnh vực vật lý. Quan sát chùm đèn treo của nhà thờ Pisa khi đang tham dự một buổi lễ, ông đã khám phá ra nguyên lý hoạt động của con lắc. Theo ý muốn của cha, ban đầu Galileo đăng ký học chuyên ngành dược tại đại học Pisa. Tuy nhiên, ông đã bỏ dở chương trình học và chuyển sang học toán. Năm 1589, ông được bổ nhiệm làm giáo sư toán học của trường. Từ năm 1592 đến năm 1610, Galileo chuyển đến và làm việc tại đại học Padua, giảng dạy các môn địa lý, cơ học và thiên văn học.
Ảnh: Galileo Galilei (15/02/1564 – 08/01/1642)
Trong khoảng thời gian tại đại học Padua, Galileo đã nghiên cứu và có nhiều phát minh trong lĩnh vực cơ học. Ông đã làm thí nghiệm chứng minh tốc độ rơi không phục thuộc vào trọng lượng của vật và được tôn vinh là « cha đẻ của nền khoa học thực nghiệm ». Sau khi nghe tin về « chiếc ống làm cho các vật ở xa hiện lại gần » của Hans Lippershey (năm 1608), « ông bắt đầu những thí nghiệm về các thấu kính của riêng ông và trong vòng sáu tháng đã chế tạo được một chiếc ống còn tốt hơn chiếc ống của Lippershey. Chiếc ống này là kính viễn vọng, có nghĩa là một dụng cụ để nhìn xa ».
« Ông thực hiện một việc lớn lao với kính viễn vọng của ông. Ông không chú ý đến nó về phương diện là một vũ khí chiến tranh hoặc về phương diện buôn bán kiếm lời. Ông hướng nó lên trời! »
Ảnh: Một trong những chiếc kính thiên văn của Galileo
Với chiếc kính này, Galileo đã tìm ra 4 vệ tinh của Sao Mộc; quan sát các pha của Sao Kim; phát hiện các ngọn núi và các crater trên Mặt Trăng; chứng minh dải Ngân Hà bao gồm hàng triệu ngôi sao không thể đếm được, rất nhiều và ở rất xa; quan sát Sao Thổ (Galileo đã thấy Sao Thổ có “hai cái bướu” nhô lên nhưng chiếc kính của ông không đủ mạnh để có thể nhận ra vành đai Sao Thổ); quan sát các vết đen của Mặt Trời. Galileo đã xuất bản tờ báo « Tín sứ của các ngôi sao » (Sidereus Nuncius), trong đó ông công bố những phát hiện của mình.
Năm 1611, Galileo đến Roma, gia nhập viện hàm lâm Lincei. Galileo là người ủng hộ và góp phần quan trọng trong việc phổ biến thuyết Nhật Tâm của Copernicus. Năm 1612, cuộc chiến chống lại thuyết Nhật Tâm của Copernicus do nhà thờ phát động đã bùng nổ. Galileo đã phải chịu nhiều chỉ trích cũng như tố cáo từ giới tu sĩ. Tuy nhiên, Galileo vẫn giữ vững những quan điểm của mình và tiếp tục viết nhiều tác phẩm phủ nhận thuyết Địa Tâm. Năm 1632, Galileo cho xuất bản một tác phẩm lớn của ông, tên là « Đối thoại về hai hệ thống chính của vũ trụ » (Dialogo sopra i due massimi sistemi del mondo), trong đó có 3 nhân vật thảo luận về vũ trụ. Một người đưa ra câu hỏi, tìm kiếm kiến thức. Hai người còn lại, một người theo Ptolemy, một người theo Copernicus, người nào cũng trình bày các lý lẽ của mình. Tất nhiên Galileo để cho người theo Copernicus thắng thế ». Cuốn sách đã gây ra « một cuộc bùng nổ giận dữ » ở La Mã, kẻ thù của Galileo thuyết phục giáo hoàng hành động, thế là Galileo bị gọi ra tòa án dị giáo. Ngày 22/06/1633, ông già đó (đã 69 tuổi) bắt buộc phải quỳ gối và phủ nhận thuyết Copernicus là đúng, tức là phủ nhận Trái Đất chuyển động. Rồi Galileo được về nhà (vùng Arcetri, Florence), sống lặng lẽ trong hơn 8 năm cuối cùng, không gây chuyện rắc rối, hoặc không bị mắc vào chuyện rắc rối. Ông qua đời ngày 8 tháng một năm 1642. Hiện nay, ông được an táng tại nhà thờ Basilica di Santa Croce, Florence.
Có một giai thoại nói rằng khi Galileo ra trước tòa án dị giáo, ông giậm chân xuống đất và lẩm bẩm « Nhưng dù sao Trái Đất vẫn chuyển động ». Mặc dù đó chỉ là một giai thoại, không thể khẳng định là chính xác hay không, nhưng chắc chắn những lời đó đã được hầu hết các nhà thiên văn và học giả châu Âu thét to lên.
Bài viết được tổng hợp từ một số tài liệu trên Internet, có trích dẫn một số đoạn trong cuốn sách: Hệ Mặt Trời của tác giả Isaac Asimov, dịch giả Đắc Lê, do NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội xuất bản năm 1980.
Ngày sinh nhà thiên văn học Hoa Kỳ William Henry Pickering (15/02/1858 – 17/01/1938).
Ảnh: William Henry Pickering (15/02/1858 – 17/01/1938)
William Henry Pickering sinh ra tại thành phố Boston, bang Massachusetts, đông bắc Hoa Kỳ. Ông là em ruột của nhà thiên văn Edward Charles Pickering (1). Năm 1891, W.H.Pickering theo anh đến Peru để thiết lập trụ sở của đài thiên văn Harward. Hai năm sau, ông quay trở lại Hoa Kỳ và tham gia quá trình xây dựng đài thiên văn tại Texas của Percival Lowell (nơi Clyde Tombaugh đã tìm ra Sao Diêm Vương). Năm 1899, Pickering phát hiện Phoebe, vệ tinh thứ 9 của Sao Thổ. Đây là vệ tinh đầu tiên được phát hiện dựa vào việc phân tích dữ liệu trên các bức ảnh chụp. 6 năm sau, W.H.Pickering tiếp tục công bố sự tồn tại của 1 vệ tinh khác của Sao Thổ và đặt tên là Themis. Tuy nhiên, sau đó, các nhà thiên văn đã xác nhận W.H.Pickering đã nhầm lẫn, vệ tinh này không hề tồn tại.
W.H.Pickering đã tham gia chỉ đạo nhiều chuyến quan sát nhật thực. Ông cũng tập trung nghiên cứu các crater của Mặt Trăng. Quan sát sự thay đổi của crater Eratosthenes, ông đưa ra giả thiết trên Mặt Trăng có côn trùng. W.H.Pickering còn khẳng định sự tồn tại thực vật trên Mặt Trăng (tất nhiên, ngày nay ta biết rằng những giả thiết và khẳng định trên của ông là không đúng). Ông cũng đã dành rất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm « hành tinh X » dựa trên những nhiễu động trong quỹ đạo Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương nhưng không thu được thành công. Năm 1903, W.H.Pickering xuất bản cuốn atlas Mặt Trăng bằng ảnh chụp (The Moon : A Summary of the Existing Knowledge of our Satellite).Trong những năm cuối đời, ông sống và làm việc chủ yếu ở Jamaica, tại một đài thiên văn do ông xây dựng.
Tên của ông và anh trai (Edward Charles Pickering) được dùng để đặt cho một crater trên Mặt Trăng
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. February 15 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/2/2_15.htm
[2]Wikipedia, 12/2006. William Henry Pickering, https://en.wikipedia.org/wiki/William_Henry_Pickering
Hero_Zeratul
ttvnol.com
Ngày sinh nhà thiên văn học Hoa Kỳ William Henry Pickering (15/02/1858 – 17/01/1938).
Ảnh: William Henry Pickering (15/02/1858 – 17/01/1938)
William Henry Pickering sinh ra tại thành phố Boston, bang Massachusetts, đông bắc Hoa Kỳ. Ông là em ruột của nhà thiên văn Edward Charles Pickering (1). Năm 1891, W.H.Pickering theo anh đến Peru để thiết lập trụ sở của đài thiên văn Harward. Hai năm sau, ông quay trở lại Hoa Kỳ và tham gia quá trình xây dựng đài thiên văn tại Texas của Percival Lowell (nơi Clyde Tombaugh đã tìm ra Sao Diêm Vương). Năm 1899, Pickering phát hiện Phoebe, vệ tinh thứ 9 của Sao Thổ. Đây là vệ tinh đầu tiên được phát hiện dựa vào việc phân tích dữ liệu trên các bức ảnh chụp. 6 năm sau, W.H.Pickering tiếp tục công bố sự tồn tại của 1 vệ tinh khác của Sao Thổ và đặt tên là Themis. Tuy nhiên, sau đó, các nhà thiên văn đã xác nhận W.H.Pickering đã nhầm lẫn, vệ tinh này không hề tồn tại.
W.H.Pickering đã tham gia chỉ đạo nhiều chuyến quan sát nhật thực. Ông cũng tập trung nghiên cứu các crater của Mặt Trăng. Quan sát sự thay đổi của crater Eratosthenes, ông đưa ra giả thiết trên Mặt Trăng có côn trùng. W.H.Pickering còn khẳng định sự tồn tại thực vật trên Mặt Trăng (tất nhiên, ngày nay ta biết rằng những giả thiết và khẳng định trên của ông là không đúng). Ông cũng đã dành rất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm « hành tinh X » dựa trên những nhiễu động trong quỹ đạo Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương nhưng không thu được thành công. Năm 1903, W.H.Pickering xuất bản cuốn atlas Mặt Trăng bằng ảnh chụp (The Moon : A Summary of the Existing Knowledge of our Satellite).Trong những năm cuối đời, ông sống và làm việc chủ yếu ở Jamaica, tại một đài thiên văn do ông xây dựng.
Tên của ông và anh trai (Edward Charles Pickering) được dùng để đặt cho một crater trên Mặt Trăng
Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 – 2007. February 15 – Births, Deaths, Events, https://www.todayinsci.com/2/2_15.htm
[2]Wikipedia, 12/2006. William Henry Pickering, https://en.wikipedia.org/wiki/William_Henry_Pickering
Bình luận