Ngay cả dưới ánh trăng sáng, chúng ta vẫn có thể bắt được một số sao băng trong đợt mưa sao băng Lyrid năm nay.

Vệt sáng vụt nhanh qua bầu trời đêm, những tàn dư của bụi cháy trong bầu khí quyển chính là những ngôi sao băng. Trái Đất của chúng ta di chuyển qua đường đi của các sao chổi tương đối dày trong tháng 4 này. Được đặt tên theo chòm sao mà từ đó, các sao băng xuất hiện, mưa sao băng Lyrid sẽ đạt cực điểm vào tối 22 rạng sáng 23 tới.

Mưa sao băng Lyrid sẽ là điểm nhấn của tháng 4/2011 - 1 ttsm0i / Thiên văn học Đà Nẵng

Chòm sao Thiên Cầm (Lyra) dễ dàng tìm thấy bởi ngôi sao Vega (Chức Nữ) màu xanh-trắng sáng rực rỡ. Đây là ngôi sao đứng thứ năm trong số những ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm.

Mưa sao băng Lyrid bắt đầu từ ngày 16/4 cho đến 25/4/2011, có tần suất khoảng 20 sao băng/ giờ tại cực điểm sau nửa đêm 22, rạng sáng 23/4. Thật không may, ngày 17/4/2011 tới sẽ là ngày rằm và trăng sáng sẽ gây một chút khó khăn cho việc quan sát mưa sao băng. Vào đêm cực điểm mưa sao băng Lyrid, 69% bề mặt Mặt Trăng sẽ tỏa sáng. Mặc dù vậy, nếu vị trí quan sát cách xa ánh đèn thành phố sẽ giúp bạn dễ dàng hơn để bắt những ngôi sao băng sáng nhất.

Tâm điểm của mưa sao băng Lyrid lên cao trên bầu trời lúc nửa đêm, khoảng một giờ sau khi Mặt Trăng xuất hiện trên đường chân trời phía đông. Tần suất cực đại của mưa sao băng Lyrid sẽ xảy ra khoảng vài giờ trước bình minh ngày 23/4/2011, khi Thiên Cầm lên cao gần đỉnh đầu.

Các ngôi sao băng Lyrid di chuyển rất nhanh và sáng như những ngôi sao của chòm Bắc Đẩu. Chúng là những tàn dư của sao chổi Thatcher (C/1861 G1).

Cách quan sát mưa sao băng tốt nhất là … không dùng bất cứ dụng cụ quang học nào! Bạn nên quan sát bằng chính đôi mắt của mình để không bị hạn chế trường nhìn. Trước khi Mặt Trăng mọc, hãy hướng mặt về phía đông và hơi cao lên khỏi đường chân trời. Sau khi Mặt Trăng xuất hiện, hãy nhìn thẳng lên đỉnh đầu hoặc chếch về phía tây của Mặt Trăng, sẽ giúp bạn “săn” được nhiều sao băng.

Phan Thanh Hiền – PAC.
Theo Astronomy

Content Protection by DMCA.com